Đại dương sâu đến mức nào?


Đại dương luôn mang đến cho chúng ta những ý niệm về sự mênh mông, rộng lớn, và quả thật, những con số về đại dương mà bài viết sắp sửa nhắc tới đây sẽ khiến cho bạn phải kinh ngạc.

Khoảng 71% bề mặt của Trái Đất được bao phủ bởi nước biển. Toàn bộ khối nước đó chiếm dụng một khoảng không gian lên đến hơn 1,386,000,000 km3. Bạn có tưởng tượng ra con số gần 1,4 tỷ mét khối nước đó nhiều như thế nào chưa?

Theo công bố trên website chính thức của Cơ quan khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ, nước của các đại dương đủ để chứa đầy 352,670,000,000,000,000,000 hộp đựng sữa, với kích thước gần 3,8 lít/hộp.

Một ví dụ khác để các bạn có thể dễ hình dung về những con số “điên rồ” này. Theo lý thuyết, bạn có thể bao phủ toàn bộ nước Mỹ (vâng, bao gồm cả Alaska và Hawaii) trong một cột nước cao hơn 132 km, bằng khối nước của các đại dương trên thế giới này.

Và không có gì ngạc nhiên, khi một trong những câu hỏi được hỏi nhiều nhất về đại dương chính là, ĐẠI DƯƠNG SÂU ĐẾN MỨC NÀO? Đâu là đoạn sâu nhất của đại dương, và chiều sâu trung bình của đại dương là bao nhiêu?

1. Độ sâu trung bình của đại dương là bao nhiêu?

Nói đúng ra thì Trái đất của chúng ta chỉ có duy nhất một đại dương mà thôi. Sẽ hơi khó hiểu một chút khi trước giờ ta đều được dạy là, Trái đất có tới 5 đại dương, bao gồm: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương và Nam Đại Dương.

Toàn bộ 5 đại dương này gộp thành một thứ gọi chung là “đại dương toàn cầu”. Đây cũng là khái niệm mà người ta thường nhắc đến khi bắt đầu câu chuyện về “đại dương” nói chung (và hai ví dụ về hình ảnh của đại dương được nhắc tới đầu bài viết cũng đang dùng khái niệm “đại dương toàn cầu” này)

Tất nhiên, độ sâu của đại dương là không đồng nhất. Nó thay đổi rất nhiều tùy theo cơ sở về địa lý. Tại bất kỳ một điểm ngẫu nhiên nào trên bản đồ, khoảng cách giữa đáy đại dương và mặt nước phía trên có thể bị ảnh hưởng bới các hẻm núi, dãy núi dưới đáy biển hoặc hàng loạt những đặc điểm khác.

Bằng việc sử dụng những công cụ như Sonar (định vị bằng sóng âm thanh), Radar (định vị bằng sóng vô tuyến) hay công nghệ vệ tinh, các nhà khoa học đã tính toán rằng đại dương toàn cầu có độ sâu trung bình xấp xỉ 3,897 mét, và kéo dài khoảng 3,8 kilomet.

2. Phần sâu thẳm nhất của đại dương

Chúng ta sẽ tiến hành so sánh những địa điểm khác nhau. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 trên tạp chí Earth-Science Reviews đã sử dụng những dữ liệu và nghiên cứu sẵn có để phân tích các khu vực sâu nhất tại 5 đại dương của chúng ta. Và đây là những gì được tìm ra:

– Điểm sâu nhất ở Bắc Băng Dương được gọi là Hố Molloy (Molloy Hole). Nó nằm ở độ sâu 5,669 mét dưới bề mặt nước biển.

– Còn Ấn Độ Dương thì sao? Theo các tác giả của nghiên cứu, đó có thể là một phần chưa được đặt tên của Rãnh Java (Java Trench), nằm ở độ sâu 7,290 mét dưới biển

– Đối với Nam Đại dương bao quanh Nam Cực, vị trí sâu nhất có thể được tìm thấy nằm trong Rãnh Sandwich Nam (South Sandwich Trench), ở độ sâu 7,385 mét

– Với độ sâu 8,408 mét, một nơi nằm trong Rãnh Puerto Rico với tên gọi Milwaukee Deep là đoạn sâu nhất của Đại Tây Dương hùng vĩ

“Nhưng chờ đã, vậy còn Thái Bình Dương thì sao?”. Đây có phải là thắc mắc của bạn hay không?

Đừng lo, phần hay nhất phải để đến cuối chứ, phải không nào. Phía đông quần đảo Mariana, thuộc Thái Bình Dương, có một vực sâu dưới nước mà các nhà thám hiểm và những nhà văn khoa học viễn tưởng vẫn không thể hiểu hết được.

Tên của vực sâu đó là Rãnh Mariana, và nó chứa đựng điểm sâu nhất không chỉ là của Thái Bình Dương mà là còn của toàn bộ đại dương của chúng ta, một độ sâu được gán mác là “Độ sâu thách thức” (Challenger Deep). Rãnh Mariana nằm ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương.

Việc đo lường độ sâu chính xác của nó đã được chứng minh là rất khó nhằn, tuy nhiên, theo một ước tính khá dè dặt mà trong bài nghiên cứu năm 2019 xác nhận, đáy biển ở đây có thể nằm ở độ sâu đáng kinh ngạc 10,925 mét.

Vậy độ sâu của Challenger Deep là bao nhiêu? Chắc chắn là rất sâu. Độ sâu của nó thậm chí còn lớn hơn chiều cao của đỉnh Everest. Đỉnh của dãy Himalaya hùng vĩ chỉ cao khoảng 8,848 mét trên mực nước biển mà thôi. Chính những chuyển động và tương tác của các mảng kiến tạo Trái Đất đã hình thành nên những rãnh cực sâu, cũng như là những ngọn núi cao nhất như chúng ta biết hiện nay.

Tác giả: Mark Mancini

Nguồn: Science.howstuffworks.com


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *