Mất bao lâu để cơ thể người bị phân hủy sau khi chết?


Ngay khoảnh khắc mà con người ta chết, thi thể của họ cũng bắt đầu quá trình phân hủy, khi mà các tế bào bắt đầu chết đi và các loài vi khuẩn bắt đầu hành trình xâm lăng vào trong cơ thể. Vậy chính xác là mất bao lâu thì toàn bộ cơ thể sẽ bị phân hủy hết?

Mặc dù quá trình phân hủy sẽ diễn ra gần như ngay lập tức sau khi người ta chết, có rất nhiều yếu tố, bao gồm nhiệt độ môi trường, độ chua của đất và vật liệu làm nên chiếc quan tài, có thể ảnh hưởng đến tốc độ phân hủy của cơ thể người. Tuy nhiên, trung bình một cơ thể người được chôn cất trong một chiếc quan tài điển hình sẽ bắt đầu quá trình phân hủy trong vòng một năm, nhưng sẽ mất đến một thập kỷ sau đó để có thể phân hủy toàn bộ, nghĩa là chỉ còn lại một bộ xương đơn thuần, theo như chia sẻ của Daniel Wescott, Giám đốc Trung tâm nhân chủng học Pháp y tại Đại học bang Texas.

Theo Nicholas Passalacqua, một phó giáo sư tại Trạm nghiên cứu xương pháp y thuộc Đại học Western Carolina, khi cơ thể người được chôn cất không dùng quan tài, tương đương với việc không có biện pháp phòng vệ trước côn trùng và các yếu tố khác, thường sẽ mất 5 năm để phân hủy toàn bộ.

Bản thân quá trình phân hủy khá đơn giản. Một khi cái chết xảy ra và máu được cung cấp đầy đủ khí oxy ngừng chảy, các tế bào sẽ chết; trong quá trình tự phân giải, các tế bào sẽ giải phóng các enzym (đặc biệt là các enzym từ lysosome, nơi chứa các enzym tiêu hóa), và các enzym này sẽ tự phân hủy chính tế bào đó, cũng như các cacbonhydrat và protein, theo như cuốn sách “The Cell: A Molecular Approach (Tạm dịch Tế bào: Một cách tiếp cận phân tử)” mô tả.

Theo cuốn sách với tựa đề “Evaluation of Postmortem Changes” (tạm dịch “Đánh giá những thay đổi sau khi chết”) của nhà xuất bản StatPearls 2022, sự thối rữa hay sự phân hủy của chất hữu cơ trong điều kiện không có oxy do vi khuẩn, nấm hoặc các sinh vật khác gây ra có thể khiến một bộ phận trên da người chuyển sang màu xanh lá khoảng 18 tiếng sau khi chết. Điều này xảy ra đồng thời với việc việc vi khuẩn trong bụng bắt đầu sinh sôi nhanh chóng, tạo ra khí khiến cơ thể trương sình lên và bốc mùi. Quá trình thối rữa diễn ra nhanh hơn khi cơ thể đặt trong môi trường nóng, đó là lý do vì sao hài cốt người thường được bảo quản trong tủ lạnh trước khi được mang đi chôn cất.

Trong giai đoạn cơ thể trương sình, da có thể trượt ra và phồng rộp lên, lúc này hiện tượng da nổi gân xanh có thể xảy ra, ta có thể nhìn thấy các mạnh máu màu xanh đen bên dưới lớp da trong khoảng 24 đến 48 giờ sau khi chết. Cuối cùng, khối trương sình xẹp xuống lại, và trong một quá trình gọi là thối rửa đen (black putrefaction), các cơ quan nội tạng và mô bắt đầu mềm ra, và các sinh vật sống như côn trùng và vi khuẩn sẽ ăn các mô mềm còn sót lại, để rồi cả cơ thể chỉ còn lại một bộ xương mà thôi.

“Đến giai đoạn chỉ còn lại duy nhất bộ xương, quá trình phân hủy sẽ diễn tiến chậm lại một cách đáng kể, sẽ phải mất rất nhiều năm, hay nhiều thập kỷ để phần xương còn lại có thể bị phân hủy hoàn toàn”, theo cuốn sách “Đánh giá những thay đổi sau khi chết”

Để làm chậm quá trình thối rữa, những người ướp xác tiến hành rút hết máu và các chất dịch lỏng khác trong cơ thể của xác chết và thay bằng một thứ chất lỏng ướp xác được tiêm vào tĩnh mạch. Những hóa chất ướp xác này đóng vai trò như một chất bảo quản, ngăn sự hoạt động của vi khuẩn phá vỡ cơ thể. Mặc dù ướp xác là một thủ tục khá phổ biến, nhưng một số tôn giáo cấm hành vi này vì nó được xem là mạo phạm đến cơ thể người đã khuất.

Wescott chia sẻ với Live Science “Thật sự ướp xác mang lại những sự khác biệt đáng kể”

Ông lấy một ví dụ về trường hợp của nhà lãnh đạo dân quyền Medgar Evers, người được chôn cất vào năm 1963 sau khi đã được ướp xác. Khi thi thể của ông ta được khai quật lên để làm bằng chứng cho một phiên tòa xét xử vụ án giết người năm 1991, thi thể của ông được bảo quản tốt đến mức họ đã cho con trai của ông vào nhìn mặt ông.

Những ai đã được ướp xác và chôn cất trong một chiếc quan tài, thời gian thông thường để phân hủy dao động từ 5 đến 10 năm. Tại thời điểm đó, mô trên cơ thể đã hoàn toàn biến mất và chỉ còn lại phần xương.

Chất lượng của việc ướp xác cũng đóng vai trò trong việc làm chậm quá trình phân hủy. Khi Wescott khai quật một thi thể đã được ướp và chôn 15 năm trước thời điểm khai quật, ông phát hiện ra một phần thi thể đã trơ xương vì quan tài đã bị vỡ. Một thi thể khác cũng được ướp và chôn mới chỉ khoảng 1 năm, và cô ấy được mô tả “giống như cô ấy chỉ vừa mới qua đời, nhưng đã có nấm mốc phát triển trên cơ thể của cô ấy”, Wescott nhớ lại.

Địa điểm cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phân hủy. Nếu một chiếc quan tài được chôn trong đất chua, nó sẽ bị ăn mòn nhanh hơn, khiến cho phần thi thể bị tiếp xúc với các yếu tố như côn trùng, vốn sẽ tiếp tay cho quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn.

Có một số yếu tố khác nữa mà hầu hết người ta không nghĩ tới. Trong điều kiện môi trường ngoài trời, quá trình thối rữa sẽ diễn ra nhanh hơn ở những người bị bệnh béo phì trong giai đoạn đầu, nhưng quá trình sẽ bắt đầu chậm lại so với người khác vì các con giòi thích mô cơ hơn là mô mỡ. Hóa trị và thuốc kháng sinh, nếu được sử dụng nhiều trước khi chết, cũng tác động rất lớn đến quá trình thối rữa, vì cả 2 yếu tố này đều có khả năng tiêu diệt một số vi khuẩn tham gia vào quá trình này.

Wescott cho biết một điều nghe có vẻ kỳ lạ, đó là lớp lót quan tài cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ phân hủy. Một số vật liệu làm lớp lót có khả năng hút chất lỏng ra khỏi cơ thể, khiến cơ thể bị khô, và làm cho quá trình ướp xác diễn ra nhanh hơn. Nếu vật liệu có tỉnh giữ ẩm cao, thi thể có thể bị ngâm trong chất lỏng của chính nó và khiến cho quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn.

Tác giả: David Volk

Nguồn: Live Science


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *