Động lực (Motivation) là một chất xúc tác kỳ diệu có thể khiến con người hoàn thành một việc gì đó và thay đổi hành vi của bản thân. Nhưng tại sao một số người lại có động lực lớn hơn những người khác?
Động lực, và những lý do đằng sau chúng, có thể độc nhất và khác biệt ở mỗi người giống như dấu vân tay vậy, tuy nhiên có những cơ chế hóa học nhất định trong não bộ tác động đến động cơ và mức độ tạo ra động lực thúc đẩy con người ta hàng ngày.
ĐIỀU GÌ LÀM CON NGƯỜI TA CÓ ĐỘNG LỰC?
Robert West, một nhà tâm lý học và giáo sư danh dự về khoa học hành vi và sức khỏe của Đại học Cao đẳng Luân Đôn (University College London – UCL) ở Anh, đã chia sẻ với LiveScience rằng những người khác nhau sẽ tìm kiếm động lực theo những cách khác nhau.
“Có rất nhiều thứ có thể giúp chúng ta tạo ra động lực cho bản thân” – ông West chia sẻ. Những thứ có thể kể đến bao gồm các trải nghiệm (ví dụ như niềm vui, sự thoải mái, sự hứng thú hay sự mong mỏi một cái gì đó), cho đến các mong muốn trừu tượng hơn ví dụ như mong muốn về một mục đích hoặc sự kiểm soát một cái gì đó. Những động lực trong xã hội cũng có thể kể đến như tình yêu, quyền lực, cảm giác thuộc về và sự công nhận.
“Mức độ quan trọng của những yếu tố này đối với mỗi người chúng ta hoàn toàn khác nhau, và chúng ta cũng dành sự ưu tiên khác nhau cho các yếu tố tại những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống” – West cho hay.
Các chất dẫn truyền thần kinh, đóng vai trò là những sứ giả truyền tin trong não, chịu trách nhiệm cho những khác biệt về cách tạo ra động lực cho con người. Một nghiên cứu vào năm 2012, đăng trên tạp chí Neuroscience, đã yêu cầu độc giả tham gia vào một trò chơi toán học có thưởng bằng tiền, với các mức độ khó khác nhau. Những người sẵn sàng chơi với mức độ khó cao hơn đã giải phóng ra nhiều dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh) hơn trong các vùng não liên quan đến phần thưởng và động lực, cụ thể là vùng vân và vỏ não trước trán. Còn những người nỗ lực ít hơn sẽ tiết ra nhiều dopamine hơn ở thùy trước, một vùng não chịu trách nhiệm về cảm xúc và nhận thức rủi ro.
“Một số chất trong não bộ như endorphins và dopamine đóng vai trò nhất định trong những trải nghiệm về ham muốn và cách định hình hành vi của chúng ta”. Ông West cho biết thêm. “Ví dụ, sự giải phóng dopamine trong một bộ phận của não gọi là Nhân nằm (Nucleus Accumbens) giúp chúng ta nhận biết mình thích và không thích điều gì, trong khi đó endorphins có liên quan đến cảm giác hạnh phúc của chúng ta.”
Có một quan niệm sai lầm rằng dopamine được giải phóng để tạo ra khoái cảm, hoặc để phản ứng cho một sự tưởng thưởng dành cho bản thân nào đó, theo kiểu mọi người giải phóng dopamine khi có điều gì làm họ hài lòng. Tuy nhiên, một bài báo năm 2013 đăng trên tạp chí Neuron đã phát hiện ra rằng chất dẫn truyền thần kinh này thực chất khuyến khích mọi người hành động trước khi nhận được phần thưởng. Nói theo một cách khác, dopamine được giải phóng để giúp người ta đạt được điều gì đó tốt đẹp. Và nghiên cứu cũng cho thấy dopamine được giải phóng ở những vùng não khác nhau, nên cũng có thể giải thích được vì sao những người khác nhau lại bị thúc đẩy bởi những thứ khác nhau.
Các nhà nghiên cứu cho biết mức độ dopamine khác nhau giữa các cá nhân cũng có thể giải thích vì sao có người lại kiên định theo đuổi mục tiêu hơn so với những người khác.
MỘT NGƯỜI CÓ THỂ TRỞ NÊN NHIỀU ĐỘNG LỰC HƠN HAY KHÔNG?
Susan Michie, một giáo sư tâm lý học sức khỏe và Giám đốc Trung tâm về thay đổi hành vi tại UCL, cho biết một người có thể trở nên nhiều động lực hơn bằng cách hiểu một thứ gọi là khoảng cách giữa ý định và hành vi (intention – behavior gap).
“Mặc dù một người có thể cảm thấy rất có động lực để thay đổi, nhưng sự thay đổi lại không hề diễn ra.”, Michie chia sẻ với LiveScience. “Nó liên quan đến việc chuyển cảm giác thành hành động – cảm giác thôi chưa đủ để khiến mọi việc xảy ra. Một con người còn cần đến đến những kỹ năng để quản lý hành vi và cơ hội để biến điều đó thành hiện thực.
Michie nói rằng có nhiều cách để thu hẹp khoảng cách giữa ý định và hành vi. Những cách đó bao gồm lập kế hoạch, cụ thể hóa chính xác cái gì, khi nào và thực hiện điều đó với ai. Việc chia sẻ kế hoạch với người khác cũng giúp truyền cảm hứng cho một người cam kết với kế hoạch đó hơn. Việc thực hiện hoạt động với một ai đó hay gặp gỡ một người nào đó ngay sau khi hành động xong cũng mang lại kết quả tương tự.
Một nghiên cứu năm 2011, đăng trên tạp chí Social and Personality Psychology Compass, chỉ ra rằng làm việc như một phần của đội nhóm có thể tạo động lực và cải thiện kết quả thực hiện công việc cho những thành viên có năng suất yếu kém hơn trong nhóm, những người được đánh giá là không có khả năng hoàn thành công việc được giao. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng nguyên nhân đến từ tác động tích cực từ việc các thành viên yếu kém tự so sánh bản thân với những người giỏi hơn trong nhóm, và họ tin rằng nỗ lực của bản thân là cần thiết cho sự thành công chung của đội nhóm. Tuy nhiên, người ta lại không rõ điều này tác động lên những thành viên “có năng lực tốt hơn” trong nhóm như thế nào.
Việc thay thế một hoạt động này bằng hoạt động khác cũng có thể giúp tạo ra động lực, Michie cho biết.
“Nếu một người có ý định dừng một hoạt động mà họ thích, ví dụ như uống rượu, họ cần nghĩ về một hoạt động gì đó để thay thế và né tránh đi những nơi khiến họ liên tưởng đến hành vi mà họ đang muốn chấm dứt.”
Tác giả: Lou Mudge
Nguồn: livescience.com
Trả lời